Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Tranh chấp khối tài sản nghìn tỷ

Theo các chuyên gia pháp lý, con gái nuôi duy nhất của bà Phấn sẽ được hưởng toàn bộ phần di sản cả nghìn tỷ đồng mẹ để lại nếu anh em của bà không chứng minh được phần đóng góp của mình.
Trước thông tin về việc bất đồng quan điểm khi phân chia khối tài sản nghìn tỷ của người đàn bà làm bún để lại sau cái chết đột ngột, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, dù khối tài sản này lớn đến đâu, song pháp luật đã quy định rất cụ thể và luôn bảo đảm cho người dân những quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Vì vậy khi cô con nuôi có đủ cơ sở pháp lý chứng minh mình là con nuôi của bà Phấn thì sẽ được hưởng toàn bộ tài sản mẹ để lại. Khi đó, cô phải đến cơ quan công chứng làm thủ tục khai nhận di sản, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế trước bạ đối với khối tài sản được thừa kế. Còn nếu anh em họ hàng của bà Phấn có thể chứng minh được đóng góp của mình trong khối tài sản đó thì sẽ được pháp luật công nhận, phân chia theo quy định.
Trong trường hợp những người liên không tìm được tiếng nói chung trong việc phân chia di sản, các bên có thể lựa chọn một trong các tòa cấp quận như: tòa nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (quận Tân Phú), nơi có bất động sản, nơi gửi tài sản (quận 3). Nếu một trong những người này đang ở nước ngoài thì thẩm quyền xét xử sẽ là TAND TP HCM, luật sư Trạch nói.
Một trong những khu đất thuộc tài sản của bà Phấn để lại được dùng làm kho bãi cho thuê. Ảnh: Quốc Thắng.
Đồng quan điểm, nhưng luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, trước hết các bên trong nội bộ gia đình nên ngồi lại với nhau bàn bạc để có sự phân chia hợp lý. Cô con nuôi và anh em họ hàng của bà Phấn, những người có chứng cứ liên quan đến khối tài sản nên nhường nhịn nhau để đi đến một thỏa thuận có thể chấp nhận được, tránh việc phải đưa ra tòa.
Theo luật sư Nghiêm, mức thỏa thuận này có thể dựa theo chứng cứ về những khoản hùn vốn, đóng góp hay nợ mà những người liên quan chứng minh được. Trong trường hợp này, người con nuôi hợp pháp của bà Phấn phải thật sự khách quan khi đứng ra phân chia tài sản và phải dựa trên tinh thần giữ được tính đoàn kết trong nội tộc vì đây là khối tài sản rất lớn.
Nếu xảy ra bất cứ sự tranh giành nào đều không có lợi. Tài sản dù có lớn đến mấy rồi cũng sẽ vơi đi. Hơn nữa người được thừa kế trong trường hợp này cũng không phải là người trực tiếp làm ra khối tài sản. Vì thế người con nuôi cũng nên tôn trọng một sự thật khách quan, đừng nên quá nghiêng về cái lý để quên đi cái tình, ông Nghiêm nêu quan điểm.
Còn Trưởng văn phòng luật sư Người nghèo - luật sư Trịnh Thanh cho biết, do bà Phấn chết không để lại di chúc, lại chỉ có một người con nuôi duy nhất trong khi những người ở hàng thừa kế thứ nhất khác (chồng, bố mẹ hay các con) đều không có nên cô này đương nhiên được hưởng những di sản của mẹ để lại.
Đối với những người thuộc hàng thừa kế thứ 2, hoặc không thuộc hàng thừa kế nào nhưng có công sức đóng góp, hùn vốn trong khối tài sản đó và có chứng cứ chứng minh được sự đóng góp của mình thì tòa án sẽ xem xét giải quyết theo chứng cứ đó. Khi ấy, những tài sản mà họ chứng minh được sẽ không được xem là di sản của người quá cố. Điều đó có nghĩa là người con nuôi của bà Phấn không được thừa kế tài sản này.
Trong các tranh chấp về thừa kế hay bất động sản, pháp luật luôn dành quyền để các bên tự thương lượng, hòa giải với nhau. Nếu hòa giải thành thì biên bản hòa giải sẽ là cơ sở để các bên làm thủ tục khai nhận di sản theo quy định của pháp luật và sang tên trên giấy chứng nhận đối với tài sản - luật sư Thanh nói.
 
Sau khi nhờ Thừa phát lại lập vi bằng khối tài sản nghìn tỷ của bà Phấn, cô con nuôi cùng với ông Phan (em trai bà Phấn) thống nhất ký gửi tài sản trong két sắt tại Sacombank thời hạn đến cuối tháng 3/2012. Khi hết hạn ký gửi, cô này muốn rút số tài sản này về nhưng ông Phan không đồng ý vì cho rằng đang còn tranh chấp, ông muốn gia hạn ký gửi để đợi hai người anh em ở Đức về giải quyết.
 
Trao đổi với về quy trình giải quyết đối với những trường hợp như trên, một nguồn tin từ Sacombank cho biết, thông thường, khi đến hạn, nhà băng sẽ mời các bên liên quan lên thỏa thuận. Trường hợp người em (của người quá cố) muốn gia hạn việc thuê ngăn tủ tại ngân hàng, trong khi con gái nuôi (người được thừa hưởng khối tài sản) không đồng ý và muốn thanh lý hợp đồng, nhà băng sẽ đưa ra thời gian nhất định chẳng hạn 2,3 ngày... để các bên tiếp tục thỏa thuận. Sau đó, nếu người em trai và gia tộc không thể xuất trình được di chúc hay tài liệu hợp pháp chứng minh tài sản thuộc về mình thì toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của con gái nuôi.
 
Lúc này, nếu các bên vẫn không thể thống nhất ý kiến, ngân hàng buộc phải chấm dứt hợp đồng và trả lại tài sản đã giữ cho bên đồng ý thanh lý hợp đồng là người con gái nuôi. Nếu cả hai bên không nhận, ngân hàng sẽ giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo quản tài sản - nguồn tin này nói.
 
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
 
Theo VnExpress
Jae Woo st